Ngắm hàng rong và nghe tiếng rao hàng trên phố Hà Nội xưa
28/11/2020 | 11:11:04
15 sinh viên của Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương đã vẽ lại hình ảnh hàng rong trên phố Hà Nội và cả ký âm các lời rao độc đáo ấy làm thành một album: Hàng rong và tiếng rao hàng Hà Nội.
Tập sách vừa ra mắt bạn đọc cả nước – Ảnh: L. ĐIỀN
Nay Album ấy vừa được NXB Kim Đồng và Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp phối hợp xuất bản, bản dịch tiếng Việt do Huy Toàn thực hiện.
Và mặc dù tên của các tác giả không được liệt kê, nhưng qua các bức họa, vẫn còn nhận rõ chữ ký của Tô Ngọc Vân.
Bức tranh với chữ ký của Tô Ngọc Vân trong sách – Ảnh: L. ĐIỀN
Tư liệu quý trên nhiều phương diện
Theo dịch giả Huy Toàn, hoàn cảnh ra đời của album đặc biệt này là: “Bắt đầu từ dự án của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương những năm đầu sau khi thành lập: các thầy cho 15 sinh viên đi vẽ chỉ một chuyên đề: những người bán hàng rong trên đường phố Hà Nội.
Từ bà bán bánh trái, bác bán phở, cô gái bán hoa, cậu bé bán nước chè, anh hàng tào phớ đến những người đi thu mua đồng nát, vải vụn, tóc rối…
Không chỉ vẽ tư thế, vẻ mặt, động tác của họ, các thầy Tây còn ghi lại tiếng rao của họ theo cách ghi nhạc, để lưu lại bằng hình ảnh và âm thanh một nét sinh hoạt đặc thù của Hà Nội”.
Sách trình bày các tranh vẽ bên cạnh ảnh tư liệu có cùng chủ đề – Ảnh: L. ĐIỀN
Tập sách, do vậy là một tư liệu quý trên nhiều phương diện.
Với niên đại được xác định khoảng từ năm 1925, tập sách không chỉ “cất giữ” những hình thức hàng rong trên các phố Hà Nội thời bấy giờ, mà qua đó, người đọc hôm nay còn nhận ra các chuyển động của xã hội đương thời: trang phục, những thức quà trong đời sống thường nhật, không gian mua bán hàng rong, vật dụng cho từng món hàng và từng đối tượng bán…
Dấu tích về đời sống đô thị độc đáo của Hà Nội
Đặc biệt, trong thế giới hàng rong bấy giờ có cả những người bán báo; và nhóm tác giả đã làm được một việc hơn người là ký âm trên dòng nhạc mỗi lời rao ngắn ngủi mà đầy biểu cảm ấy.
Bức tranh vẽ cậu bé bán báo dạo với phần ký âm lời rao cho thấy có 3 loại báo: Trung Bắc, Thực Nghiệp [Dân báo], và Khai Hóa – Ảnh: L. ĐIỀN
Không chỉ biểu cảm, cách ký âm và ghi lại lời rao theo trực quan tai nghe mắt thấy ấy phản ánh một dạng lưu giữ tư liệu quan trọng.
Chẳng hạn như vấn đề ngôn ngữ, người ta có bắt gặp ở đây cách gọi bánh tây cho bánh mì, kem được gọi là “se cấu”, hút thuốc lào gọi là “ăn thuốc”… và câu “mở cửa thay thùng” được ký âm ở đây như một dấu tích về đời sống đô thị độc đáo của Hà Nội thời bấy giờ nay chỉ còn trong tư liệu….
Bức tranh vẽ cảnh và lời rao “mơ cửa thay thùng” – ghi dấu về một loại hình vệ sinh đô thị bấy giờ – Ảnh: L. ĐIỀN
Đó thực sự là một cách cất giữ tiếng rao. Sau gần một thế kỷ, nó được đưa ra từ tàng thư của Viễn Đông Bác cổ để trình hiện với người đọc hôm nay.
Bên cạnh các bức vẽ – đa phần là vẽ phác, một số bức màu nước sinh động, tập sách lần này in kèm các ảnh tư liệu có cùng đề tài về hàng rong và các không gian của Viễn Đông Bác cổ Pháp.
Bạn đọc có thể tìm thấy ở đây những ảnh trắng đen chụp Hà Nội từ những năm 1920 đến những năm 1950, mà có lẽ với những ai chỉ cần có chút lòng yêu mến văn hóa xứ bắc, cảm tình với cảnh vật và đời sống của Hà Nội, thì đều có thể xem với tất cả niềm xúc động. Còn ở khía cạnh khác, giới nghiên cứu cũng từ đây tìm thấy một số cứ liệu quan trọng.
Đường phố Hà Nội trước năm 1922
Chợ Đồng Xuân năm 1951
Gánh tiết canh lòng lợn trên phố Hà Nội
Những cô gái bán xi rô lựu ở gần chợ Đồng Xuân
Một số tranh và ký âm trong sách:
Cậu bé bán nước vối và thuốc lào với lời rao “nước vối nóng ăn thuốc không”
Cậu bé bán mía
Bức tranh vẽ cô gái bán dâu dại với lời rao ký âm không rõ, phần chú thích được dịch cho biết “Cô bán bán dâu dại dạo qua vào khoảng 10 giờ sáng và rao mời các cậu bé và những người cu li ở khu phố tây mua hàng của mình. Bạn có muốn thưởng thức nhạc điệu u buồn êm dịu thoát ra từ miệng cô bé?”
Xem lời rao thấy đây là nghề hàn bát chậu vỡ – một kỹ thuật có lẽ ngày nay đã không còn tồn tại ở Hà Nội?
Trước khi ra sách, nội dung này từng được tổ chức thành một triển lãm sắp đặt “Gánh hàng rong và những tiếng rao trên đường phố Hà Nội” do Trung tâm Văn hóa Pháp – L’Espace và Viện Viễn Đông Bác Cổ (EFEO) phối hợp tổ chức từ ngày 13-9 đến 31-10 năm ngoái.
Nguồn: copy